Tin thị trường
Tiêu chuẩn LEED là gì? Lợi ích và ứng dụng trong nhà xưởng xây sẵn
30/12/2024
Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư từ nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái theo mô hình "xanh" không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là bước đi chiến lược nhằm thực hiện cam kết phát triển bền vững mà Chính phủ đề ra. Tiêu chuẩn LEED, với các tiêu chí nghiêm ngặt về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, chính là kim chỉ nam cho những dự án đáp ứng xu hướng phát triển này.
Tiêu chuẩn LEED là gì?
LEED, viết tắt của "Leadership in Energy and Environmental Design" (Lãnh đạo trong Thiết kế Năng lượng và Môi trường), là một tiêu chuẩn quốc tế uy tín chuyên đánh giá và chứng nhận các công trình xanh. Tiêu chuẩn này đo lường mức độ thân thiện với môi trường của các tòa nhà dựa trên các tiêu chí như hiệu quả năng lượng, sử dụng nước tiết kiệm, chất lượng không khí trong nhà, và tính bền vững trong xây dựng.
Hệ thống LEED được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council), một tổ chức phi chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực đánh giá kiến trúc xanh. Là tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới trong lĩnh vực này, LEED đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất năng lượng, quản lý nguồn nước, nâng cao chất lượng môi trường trong nhà, và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Chứng chỉ LEED được cấu thành từ hai yếu tố chính: Điều kiện tiên quyết và Tín chỉ.
- Điều kiện tiên quyết: Đây là các yêu cầu cơ bản bắt buộc mà mọi dự án phải tuân thủ để đủ điều kiện nhận chứng nhận LEED. Những yêu cầu này đảm bảo các tiêu chuẩn nền tảng về phát triển bền vững được đáp ứng. Ví dụ, một điều kiện tiên quyết có thể yêu cầu dự án được xây dựng trên khu đất không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái quan trọng.
- Tín chỉ: Đây là các tiêu chí tùy chọn mà chủ đầu tư có thể áp dụng để tích lũy điểm số cho dự án. Các tín chỉ tập trung vào từng khía cạnh cụ thể của công trình xanh, như nâng cao hiệu suất năng lượng, tối ưu hóa quản lý nước, hoặc cải thiện chất lượng môi trường trong nhà. Mỗi tín chỉ đều có điểm số nhất định, và tổng điểm cần đạt sẽ phụ thuộc vào hạng mục chứng nhận LEED mà dự án hướng tới.
Cấp độ chứng nhận | Thang điểm |
LEED Certified | 40-49 điểm |
LEED Silver | 50-59 điểm |
LEED Gold | 60-79 điểm |
LEED Platinum | 80+ điểm |
Để đạt được chứng chỉ LEED, các công trình kiến trúc cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiên quyết và đạt được điểm tín chỉ trong từng hạng mục đánh giá. Điểm tín chỉ càng cao càng khẳng định rằng dự án bất động sản đó có mức độ bền vững và thân thiện với môi trường vượt trội so với các công trình khác.
Tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) trong xây dựng đưa ra các tiêu chí và tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ bền vững và tác động môi trường của một công trình. Hệ thống LEED thực hiện việc đánh giá dự án dựa trên 8 hạng mục cụ thể như sau:
Mục tiêu | Yêu cầu |
1. Tiết kiệm năng lượng | Đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình. |
2. Hiệu quả sử dụng nước | Đánh giá khả năng tiết kiệm và quản lý nước. |
3. Vật liệu và tài nguyên | Đánh giá tính bền vững trong việc sử dụng vật liệu. |
4. Tiếp cận môi trường | Đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của công trình. |
5. Chất lượng không khí trong nhà | Đánh giá môi trường trong nhà. |
6. Tiếp cận giao thông | Đánh giá tính thuận tiện cho giao thông. |
7. Sức khỏe và phúc lợi | Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. |
8. Quản lý môi trường | Đánh giá hệ thống quản lý môi trường. |
Tầm quan trọng của việc đạt chứng nhận LEED?
Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp sở hữu không gian làm việc đạt chứng nhận LEED thường có tỷ lệ tuyển dụng và giữ chân nhân viên cao hơn, đồng thời hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên cũng được cải thiện đáng kể. Theo nghiên cứu của Dailey (2013), chất lượng không khí trong nhà tốt có thể nâng cao năng suất lao động lên đến 18%, đồng thời cải thiện khả năng ghi nhớ và thúc đẩy sự sáng tạo của não bộ.
Việc áp dụng tiêu chuẩn LEED góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại nhờ hạn chế tác động trực tiếp từ ánh nắng mặt trời, sử dụng thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, và lắp đặt các thiết bị như vòi nước lưu lượng thấp. Các dự án đạt tiêu chuẩn LEED có khả năng tiết kiệm trung bình 28% năng lượng, 32% lượng nước, và 45% năng lượng tiềm tàng trong vật liệu xây dựng.
Chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Tại Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện những mục tiêu này, cùng với định hướng đã được xác định trong các văn kiện và nghị quyết của Đảng, Nhà nước, cũng như cam kết quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều nhóm giải pháp, trong đó nổi bật là các chính sách tài chính.
Các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh đã được đồng bộ hóa thông qua việc sửa đổi, bổ sung pháp luật. Theo quy định hiện hành về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong suốt vòng đời dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực này có thể được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, Luật thuế TNDN còn quy định miễn thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải của các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ này.
Nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED tại Việt Nam
Các nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED đáp ứng các tiêu chuẩn cao về phát triển bền vững là yếu tố mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi tìm kiếm các dự án bất động sản công nghiệp.
Tổ chức Công trình xanh Hoa Kỳ cho hay ngoài việc giảm phát thải và tiết kiệm chi phí năng lượng, các công trình đạt chứng nhận LEED còn mang lại cho doanh nghiệp lợi thế lớn trong việc nâng cao uy tín, cải thiện hình ảnh thương hiệu, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản công nghiệp, ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam chia sẻ: "Nhà xưởng xây sẵn tiếp tục được phát triển và khai thác là một tín hiệu tích cực, giúp khách thuê có thêm lựa chọn khi cân nhắc Việt Nam như một điểm đến phù hợp để đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh". Việc lựa chọn thuê mặt bằng công nghiệp, nhất là những dự án có chứng nhận bảo vệ môi trường sẽ giúp Việt Nam hội nhập ngày càng tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hoa Long Invest nhận định, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng. Vì thế, trong chiến lược phát triển của mình, Hoa Long Invest xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, qua đó đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời cũng mong muốn góp sức mình trong việc quyết tâm thực hiện các cam kết phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra.
Dự án nhà xưởng xây sẵn HLI EcoHub Nam Hà hiện đang được Hoa Long Invest phát triển theo tiêu chuẩn LEED – chuẩn mực quốc tế cho công trình xanh và bền vững. Với định hướng tiên phong trong chuyển đổi xanh, HLI EcoHub Nam Hà không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đại mà còn hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp mong muốn đồng hành cùng xu thế phát triển bền vững toàn cầu.